Dục vọng là gì, dục vọng ảnh hưởng tới đời sống như thế nào

Dục vọng được coi là bản chất sâu thẳm bên trong của chúng ta. Đã là con người thì ai cũng có dục vọng nhưng dục vọng chính xác là gì? Tác động với cuộc sống có điều nào đó tốt đẹp không hay chỉ khiến con người sa ngã vào sai trái? Làm thế nào để có thể kiểm soát được nó? Hãy dành chút thời gian tham khảo bài viết chia sẻ dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Dục vọng là gì

Nhắc đến dục vọng, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến những ham muốn về tình dục và thể xác. Điều này có ý đúng nhưng không đầy đủ và chính xác 100% vì bản chất và ý nghĩa của dục vọng không phải chỉ có thế. Dục vọng là thuật ngữ chỉ tất cả ham muốn của con người. Ham muốn khác với mong muốn bởi lẽ nó hướng theo chiều không mấy tích cực.

Dục vọng bao gồm cả những ham muốn về vật chất như tiền tài, danh vọng, địa vị, tình cảm,… và ham muốn thể xác như tình dục. Hiểu đơn giản và chung chung chính là sự thỏa mãn bản thân. Mức độ ham muốn của dục vọng không phải bình thường mà ở mức rất cao khiến con người có thể bất chấp tất cả để đạt được điều mình muốn.

Từ đó, dục vọng là từ ngữ được dùng cho những người có tham vọng và khao khát phải có được điều ấy bằng mọi giá. Họ sẵn sàng hành động sai trái để đạt đến mục đích cá nhân chứ không mấy quan tâm đến hệ quả có thể xảy ra. Và dục vọng thường sẽ tăng dần thay vì sự thoả mãn hay cảm thấy hài lòng. Khi 1 dục vọng nhỏ đạt thành, con người sẽ sẽ có những dục vọng lớn hơn với nhu cầu thỏa mãn cao hơn trong nhiều lĩnh vực.

Dục vọng nói chung và dục vọng thể xác, ham muốn quan hệ tình dục không hoàn toàn giống nhau. Bởi lẽ không phải tất cả mọi người đều có ham muốn cao với tình dục. Bản chất 2 vấn đề này không thể đánh đồng nên chúng ta cần nhận thức, phân biệt rõ ràng. Đừng để bản thân sống và quen dần với lối suy nghĩ đen tối, suy diễn lệch lạc. Lúc ấy, nhiều người xung quanh sẽ âm thần đánh giá không tốt về tư tưởng cùng nhận thức của chúng ta.

Điểm giống và khác nhau giữa dục vọng và cuồng dâm

Nghe thì có vẻ khó tin nhưng đã có người đánh đồng dục vọng với cuồng dâm. Dục vọng và cuồng dâm thực tế không thể đánh đồng hay liên quan gì đến nhau. Lý do là bởi ý nghĩa của dục vọng rất lớn, bao gồm những ham muốn (mang tính tiêu cực) về cả vật chất, thể xác và tinh thần. Quan hệ tình dục để thoả mãn ham muốn nhục dục tất nhiên cũng thuộc về phạm vi đó.

Trong khi đó, cuồng dâm là một chứng bệnh rối loạn tình dục xảy ra ở cả nam và nữ giới. Người mắc chứng bệnh này có ham muốn tình dục cao quá mức người bình thường, không kiểm soát được ham muốn đó nên sẽ tìm mọi cách có thể nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân. Họ thường sẽ quan hệ nhiều lần với tần suất liên tục. Đầu óc, tâm trí sẽ luôn nghĩ về quan hệ tình dục thay vì nhiều vấn đề khác.

Hơn nữa, cuồng dâm là một trong những triệu chứng của rối loạn hành vi tình dục do nhiều nguyên nhân bệnh lý gây ra. Cuồng dâm có thể điều trị bằng phương pháp tâm lý và y học. Ham muốn tình dục xuất hiện ở người cuồng dâm nên cũng có thể coi là dục vọng. Tuy nhiên nó chỉ liên quan đến một khía cạnh của dục vọng trong trường hợp chủ quan do bệnh lý chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào lý trí của con người.

Điểm chung duy nhất của dục vọng và cuồng dâm có lẽ là việc có chứa sự ham muốn thể xác thông qua quan hệ tình dục. Kèm theo đó là việc khó lòng khống chế, kiểm soát ham muốn và có thể bất chấp mọi thứ để thoả mãn cơn ham muốn tột cùng. Trường hợp không kiểm soát như vậy ít nhiều sẽ gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho chính chủ, cho mọi người xung quanh và ảnh hưởng đến xã hội.

Dục vọng ảnh hưởng tới đời sống như thế nào

Dục vọng thực chất chính là lòng ham muốn, mong muốn có phần tầm thường, không chính đáng về những nhu cầu của cá nhân của con người. Đã là con người thì dục vọng chính là bản chất, không ai không có. Tùy từng thời điểm khác nhau, chúng ta mới có thể nhận định dục vọng là xấu hay không xấu. Ví dụ như lúc còn bé, dục vọng đơn giản chỉ là những món quà bánh thơm ngon, trò vui chơi, giải trí. Cơ bản vẫn chưa mang sự tính toán hay bất chấp để có được.

Lớn hơn một chút, dục vọng bắt đầu tăng lên với những ham muốn về vị trí trong lớp học, trong một tập thể như thành tích học tập, thành tích trong công việc… hay tiền bạc, danh vọng, địa vị. Nói chung chính là cái mà con người chúng ta ham muốn có được. Khi dục vọng vượt quá mức độ nhất định, nó sẽ trở thành lối mòn dẫn dắt con người đến những suy nghĩ, lời nói và hành động sai trái.

Dục vọng ở mức quá cao khiến những yếu tố bình thường không còn thỏa mãn nên khiến con người tìm đủ mọi cách, dù là tà đạo hay chính đạo để đạt được thứ mà mình muốn. Nó đã trở thành sự tham vọng bất chấp thủ đoạn. Ý nghĩa lúc này không hề tích cực mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Vậy nên, nhìn nhận khách quan và toàn diện thì dục vọng là con dao 2 lưỡi với sự tác động đa chiều đến cuộc sống như:

  • Khi ở mức vừa đủ và bản thân có thể kiểm soát được, dục vọng giúp con người đặt ra mục tiêu, mục đích cho 1 công việc hoặc vấn đề nào đó liên quan đến nhu cầu thỏa mãn của bản thân. Tác động tích cực chính là việc tạo ra động lực và cả áp lực để chúng ta cố gắng tìm cách hoàn thành các dự định hay những việc cần làm để đạt đến kết quả bản thân mong muốn.
  • Khi dục vọng vượt mức kiểm soát, lý trí sẽ không còn sáng suốt nữa. Lúc đó, phần (con) sẽ vượt lên tầm vóc phần (người). Bản thân chẳng khác nào con thú hoang bất chấp mọi hiểm nguy để bắt được con mồi. Ý chí sai lệch thì hành động không thể đúng đắn. Tâm trí chìm trong mù quáng sẽ khiến con người trở nên ích kỷ, bất chấp thủ đoạn và tối tăm, đáng sợ.
  • Dục vọng có hai kết quả, nếu như được thoả mãn thì càng tham, tâm tham càng nặng, ham muốn có khi còn tăng cao hơn lúc trước. Còn nếu như dục vọng không được thỏa mãn, lấy ví dụ như khi đứa trẻ nó muốn một cái gì đó mà chúng ta không cho nó. Nó sẽ không kiềm được oán hận, quấy khóc. Dù không chính xác hoàn toàn nhưng con người thường như vậy, chỉ cần có lòng tham mà được thỏa mãn thì là tai họa, sẽ còn tham lam hơn so với trước đây. Nếu không được thỏa mãn thì không can tâm, oán hận và giữ nhiều suy nghĩ tiêu cực trong lòng.
  • Dục vọng ngoài ra còn làm suy nhược ý chí con người. Giải thích đơn giản là người có ham muốn càng lớn thì áp lực càng nhiều. Dục vọng càng mạnh thì càng dễ bị ràng buộc chặt hơn và khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng, người ta sẽ khó lòng thoát ra được. Dục vọng sẽ nhân cơ hội đó ăn mòn ý chí, làm sa đọa lương tri và hậu quả là biến người ấy thành nô lệ của ham muốn.
  • Dục vọng dơ bẩn không thể kiểm soát có thể gây ra cả nhiều nguy hại và hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Điều này gần như ai cũng hiểu được qua những ví dụ tham ô, tham nhũng, cưỡng hiếp, cướp tài sản,… hay đơn giản như nhiều vụ gian lận thi cử, những lời nói đối hay vu oan hãm hại người khác vì lợi ích của bản thân. Hệ quả là tinh thần, tương lai thậm chí tính mạng của người khác đều bị tác động.

Con người thực ra giống như một bình nước, đổ nước bẩn vào thì sẽ được gọi là bình nước bẩn, đổ nước sạch vào thì chính là bình nước sạch. Ham muốn một khi nhiều lên thì thật sự là điều khó nói. Cuộc sống hiện thực đã cho chúng ta rất nhiều (tấm gương) vì dục vọng mà thương thân, bại danh, đánh mất uy tín và nhân cách của bản thân. Tâm trí mà chỉ chứa ích lợi cá nhân thì nhân cách hẳn sẽ không tốt đẹp hoàn toàn và ý chí cũng không mạnh mẽ.

Làm thế nào để kiềm chế những dục vọng tầm thường

Dục vọng xuất phát từ trong lòng mỗi người. Vì vậy, tự bản thân chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát dục vọng. Cách kiểm soát như thế nào hiệu quả? Dưới đây là một vài chia sẻ hữu ích tăng thêm động lực kiếm chế những dục vọng tầm thường các bạn có thể tham khảo:

Học cách hài lòng với những gì mình đang có

Con người ai cũng có những ham muốn và hy vọng hay khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là động cơ đồng thời cũng là điểm tựa thúc đẩy chúng ta cố gắng và tiến lên từng ngày. Tuy nhiên, hy vọng và ham muốn không có nghĩa là bất chấp tất cả, không từ thủ đoạn (kể cả dơ bẩn, trái luân thường đạo lý) để đạt được mục đích. Sự cố gắng phải luôn song hành với những mục đích chính đáng.

Hài lòng với những gì mình đang có không có nghĩa là sự nhụt chí và (đứng im), không có ý chí cầu tiến, mong muốn để đạt được thành tựu cao hơn. Biết hài lòng ở đây được hiểu là khi có nhu cầu, ham muốn nào đó thì cố gắng để đạt được. Sau khi đã đạt được, bản thân nên học cách hài lòng với kết quả, hoặc nếu chưa đạt được kết quả như mong muốn thì hãy tiếp tục nỗ lực. Phải biết thế nào là đủ thì bản thân sẽ thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng và không cho dục vọng cơ hội xâm chiếm, khống chế.

Thấu hiểu và biết cách cho đi – nhận lại

Cuộc sống luôn cần đến sự cân bằng. Vậy nên, nhiều chuyên gia tâm lý khuyên rằng: mỗi khi muốn kiềm chế dục vọng, bạn hãy nghĩ đến bản thân mình, mọi người xung quanh và đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận. Đừng chỉ biết nhận mà không muốn cho đi, trả lại. Bởi lẽ khi trao cho người khác sự tử tế, lòng tốt và sự yêu thương, bạn sẽ tìm thấy sự lạc quan, tích cực hơn trong cuộc sống.

Hãy thử đứng ở vị trí của người khác, bạn cũng sẽ cảm nhận được phần nào tác động của dục vọng bản thân đến họ nếu không thể kiềm chế. Chỉ khi thực sự đứng ở vị trí của phía bị tác động từ dục vọng của chính mình và học cách thấu hiểu, dục vọng với những ích kỷ, tham lam và danh lợi của chúng ta mới được kiềm chế lại một cách hiệu quả.

Không nên lôi kéo và ép buộc bản thân

Dục vọng tiêu cực thường là những ham muốn mà chúng ta không thể với tới nhưng lại khao khát đạt được nó. Chính vì vậy, không nên ép buộc bản thân phải đạt được những gì vượt ngoài khả năng và sự nỗ lực. Hãy luôn tự đặt các câu hỏi liệu mình có thực sự cần điều ấy hay không? Mục đích mình đang hướng tới có đáng để bất chấp mọi thứ? Nó là tốt hay chỉ là cám dỗ có thể lún sâu và lầm đường lạc lối?

Đừng nên một mực chăm chăm vào thứ mình mong muốn và để cho nhu cầu ham muốn lấn át lý trí. Thay vào đó, bản thân hãy loại bỏ sự cám dỗ, lôi kéo và nghĩ đến những điều khác để dần quên đi nhu cầu của mình. Không phải tất cả mọi thứ bản thân hay ai đó cho rằng tốt đều là cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Biết chấp nhận và buông bỏ những điều không cần thiết, buông bỏ những ảo tưởng xa vời là điều cần làm, nên làm để kiềm chế và xoá bỏ dục vọng.

Hướng bản thân đến suy nghĩ tích cực

Dục vọng có thể khống chế được bằng lý trí và sự tỉnh táo. Khi trong lòng kiên định, bất cứ tác nhân nào cũng không thể ảnh hưởng bao gồm cả hành động, lới nói của người khác lẫn lý trí của chính bản thân. Không bị động lòng, không lung lay điều mình đã chọn, chắc chắn dục vọng sẽ bị (vô hiệu hóa). Ham muốn tột cùng dẫn đến những điều thiếu kiểm soát cũng không có cơ hội hình thành.

Bên cạnh đó, dục vọng cũng thường dễ dàng chi phối những người có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Lý do là khi suy nghĩ tiêu cực, chúng ta sẽ thấy rất khó chịu khi không đạt được những ham muốn ấy. Từ đó, tâm không tĩnh, lý trí không kiên định nên vẫn bất chấp làm mọi thứ (kể cả hành động sai trái) để đạt được mục đích. Do vậy, hãy học cách suy nghĩ tích cực, bạn sẽ dần dần loại bỏ được những dục vọng sâu thẳm bên trong.

Chữa trị đúng cách nếu mắc vấn đề bệnh lý

Có nhiều trường hợp, dục vọng dâng cao, mất kiểm soát là do các căn bệnh liên quan đến tâm lý, bệnh lý. Lấy ví dụ như chứng cuồng dâm mọi người ghê sợ, lên án. Hiểu đơn giản là vì tâm thần, tâm lý không được bình thường nên bản thân luôn tồn tại những ảo tưởng, ham muốn cố chấp khó hoặc không thể kiềm chế. Từ đó bộc phát thành lời nói cùng những hành động sai trái, đi ngược lại luật pháp, nhân tính và đạo đức con người.

Những trường hợp đó đều có rào cản và tác nhân chi phối dục vọng nhất định. Tự vượt qua để kiểm soát hoàn toàn là điều cực kỳ khó khăn. Do vậy, khi cảm thấy bản thân đã gặp vấn đề tâm lý, không thể kiểm soát suy nghĩ, mong muốn, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, chuyên gia để kiểm tra, phân tích và thực hiện theo phác đồ điều trị hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao hơn.

Nghĩ đến luật pháp và quan hệ nhân – quả

Chúng ta đang sống trong xã hội có pháp luật. Mọi hành động sai trái dù nặng hay nhẹ nếu vi phạm pháp luật đều có thể bị phạt hành chính hoặc hình sự. Trong khi dục vọng nếu vượt quá mức tự kiềm chế hoàn toàn có đủ khả năng khiến con người mất tự chủ và làm ra nhiều hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như mua bán chức quyền, mua thành tích, tham ô, nhận hối lộ, cưỡng dâm,… thậm chí giết người.

Dù có giấu diếm kỹ càng đến đâu thì (cây kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra). Hành động sai trái sớm muộn cũng sẽ bị phơi bày ra ánh sáng. Lúc đó, không chỉ danh dự, công việc bị mất đi mà bản thân có thể đối mặt với cuộc sống lao tù. Người thân vì vậy cũng sẽ gặp ảnh hưởng tiêu cực trước sự soi mói, đánh giá của xã hội. Vậy nên, hãy tỉnh táo để nhận thức đầy đủ những điều này, biết lo biết sợ và kiềm chế lại mọi dục vọng tầm thường một cách kịp thời.

Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin đầy đủ và khách quan theo phân tích và thực tế về dục vọng. Hy vọng chia sẻ này đã giúp các bạn nhận thức chính xác và đầy đủ hơn về vấn đề này. Hãy cố gắng kiềm chế những dục vọng tầm thường, vượt lên cám dỗ và ham muốn. Nếu vẫn còn thắc mắc, đừng ngại để lại bình luận hoặc nhắn tin trực tiếp. Chúng mình sẽ cố gắng phản hồi nhanh nhất, chính xác nhất!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.